Compression là hiệu ứng âm thanh giúp giảm bớt sự biến động về âm lượng của tín hiệu âm thanh. Thiết bị chính xử lý hiệu ứng này là Compressor và Limiter.
Tại sao tôi lại phải dùng Compressor?
Dưới đây là 1 số lý do phổ biến: Về cơ bản, Compressor xử lý hiệu ứng Compression. Nó giảm sự khác biệt về âm lượng giữa các âm thanh “to mồm” nhất và các âm thanh nhỏ nhất. Nhờ đó, âm lượng trung bình được ổn định và đẩy cao hơn khiến bản mix nghe “có vẻ” to hơn, hiện đại hơn, bóng bẩy hơn; nhạc cụ, giọng hát cũng nghe rõ ràng hơn, không còn cảnh nốt thì vừa, nốt thì nhỏ/to quá…
Ngoài ra, nếu sử dụng Compressor một cách hợp lý, bạn có thể khiến bản mix hoặc nhạc cụ nghe tự nhiên, có sức sống hơn.
Thậm chí, bạn có thể “nhuộm màu” (thay đổi chất âm) cho bản mix hoặc nhạc cụ một cách nhẹ nhàng mà không sợ bị méo âm thanh bởi đa số các Compressor đều có chất âm rất đặc trưng. Chúng sẽ “bơm” vào tín hiệu âm thanh đi qua mình “dấu ấn” đó với mức độ khác nhau, phụ thuộc vào việc bạn bắt Compressor tác động vào âm thanh nhiều hay ít. Hết chưa? Chưa. Còn rất rất nhiều cách ứng dụng khác nhau tùy thuộc vào nguồn âm thanh, nhạc cụ, yêu cầu sáng tạo của bản nhạc…
Cách sử dụng, lựa chọn compressor được coi là tuyệt chiêu của các kỹ sư âm thanh chuyên nghiệp. Tất nhiên, họ giấu như mèo giấu..... và chỉ chia sẻ những kỹ thuật, thiết lập cơ bản nhất mà thôi. Tôi không kỳ vọng bạn sẽ được như họ ngay sau khi đọc bài viết này. Nhưng ít nhất, chúng ta phải hiểu rõ cách thức vận hành của Compressor để bắt đầu luyện tập, làm chủ, khai thác và bóc lột nó 1 cách tàn nhẫn nhất có thể!
Thông số điều khiển Compressor
Khi mới nhìn vào giao diện của 1 Compressor thông thường, bạn rất có thể sẽ “sốc” hoặc phát điên vì… không hiểu gì hết! Những thông số quan trọng nhất của Compressor đa phần lại hoàn toàn không thể ngay lập tức luận ra nhanh bằng cách tra từ điển.
Hãy thử tra từ điển những thuật ngữ này! Bạn sẽ hoang mang ngay lập tức!
Tùy vào từng Compressor, số lượng thông số được phép điều chỉnh có thể nhiều hoặc ít hơn danh sách dưới đây. Đừng lo, làm chủ được hết đống này bạn sẽ không phải lúng túng như gà mắc tóc trước bất cứ con compressor nào! Threshold. Tôi đã nói với bạn Compressor là thiết bị điều khiển âm lượng một cách tự động chưa? Nếu chưa thì hãy nhớ giúp tôi nhé!
Compressor tự động phân tích tín hiệu âm thanh, nếu tín hiệu đó thỏa mãn tiêu chí bạn đặt ra, nó sẽ tự động tác động lên âm thanh. Threshold chính là tiêu chí đó!
Threshold có vai trò như hoa tiêu chỉ điểm báo cho Compressor biết khi nào được phép bắt đầu hoạt động. Nó quy định 1 mức cường độ âm thanh cụ thể nào đó (ví dụ: -23d), nếu cường độ âm thanh vượt quá ngưỡng đó, Compressor sẽ “nhào vô làm thịt” ngay và giảm cường độ xuống. Nếu cường độ âm thanh thấp hơn ngưỡng đó, Compressor sẽ tha chết, cho qua!
Lưu ý: Trong 1 số trường hợp, kể cả khi cường độ tín hiệu âm thành nằm dưới threshold 1 khoảng nào đó, Compressor vẫn sẽ kích hoạt. Điều này phụ thuộc vào tham số Knee (sẽ nói sau)
Hãy tưởng tượng, bạn đã bao giờ nói với ai: “Mày mà bước chân ra khỏi cửa, tao sẽ cho mày biết tay!” Vậy, bạn chính là Compressor. Vạch phân định giữa cửa ra vào và bên ngoài chính là ngưỡng báo hiệu cho ai đó nếu vượt qua là bị bạn làm thịt. Vạch đó là Threshold.
Tại sao tôi lại phải lắm mồm giải thích về Threshold như vậy? Vì đó là 1 trong 2 thông số quan trọng nhất của Compressor. Sự quan trọng này được minh chứng bởi các Compressor tối giản chức năng với chỉ 2 điều khiển duy nhất. Threshold luôn là 1 trong 2!
Compressor LA-2A với 2 nút điều khiển chính bao gồm Gain và Threshold (ghi là Peak Reduction)
Nói 1 cách khác, thông số quyết định Compressor có làm việc hay không mà không phải cái quan trọng nhất thì là cái gì?
Compression Ratio
Compressrion Ratio (tỉ lệ nén) chính là thông số quan trọng thứ 2. Ratio quy định mức độ can thiệp (hay nói cách khác là độ… thô bạo) của Compressor lên cường độ tín hiệu âm thanh nếu cường độ tín hiệu vượt quá Threshold. Ratio càng cao thì Compressor càng giảm mạnh cường độ tín hiệu âm thanh. Đây là một thông số hay gây hiểu nhầm cho người mới bắt đầu. Hãy nhớ Ratio là tỷ lệ, không phải là một con số cố định nhằm ám chỉ số dB bị giảm đi bởi Compressor đâu nhé! Ratio của Compressor thường được biểu diễn dưới dạng n:1 (ví dụ: 1:1, 2:1, 4:1, 5:1).
Giả sử Ratio là 4:1, khi tín hiệu vượt quá threshold 4dB, Compressor sẽ giảm cường độ tín hiệu âm thanh để nó chỉ vượt quá threshold 1/4 của 4dB, tức là 1dB. Tương tự, nếu tín hiệu vượt quá threshold 8dB, Compressor sẽ giảm cường độ để tín hiệu chỉ vượt quá threshold 1/4 của 8dB, tức là 2dB.
Hãy làm phép tính đơn giản, số dB mà Compressor cho phép cường độ tín hiệu âm thanh vượt ngưỡng Threshold = 1/n.
Ratio 1:1 là tỉ lệ khá đặc biệt vì khi đó Compressor sẽ… không làm gì cả, để im cho tín hiệu đi qua.
Ratio 1:1 – Compressor “tha chết” cho tín hiệu âm thanh
Chắc hẳn bạn đang thắc mắc Ratio như thế nào được coi là nhẹ, vừa và mạnh? Theo kinh nghiệm của bản thân tôi, 2:1 là tỉ lệ nén nhẹ nhàng.
Nguồn: Mr. Tín KXV
Mua Compressor chính hãng ở đâu, giá như thế nào?